Gia tăng tảo hôn ở xã Sùng Phài
Qua tìm hiểu được biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu có 7 cặp tảo hôn, tăng 2 cặp so với cả năm 2022. Tư tưởng, định kiến phải lấy vợ, lấy chồng sớm đã đi sâu vào nếp sống của người dân nơi đây là nhận định chung của chính quyền và ngành y tế địa phương. Một nghịch lý đang diễn ra ngay giữa thành phố - nơi có trình độ dân trí và nhận thức cao hơn so với vùng sâu, vùng xa là những cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi lại gia tăng. Mặc dù ở đây đã diễn ra biết bao buổi tuyên truyền, thậm chí đưa ra chế tài xử phạt nhưng người dân không chấp hành, bởi một lý do “phong tục lâu đời”.
Cán bộ Phòng dân số, truyền thông và giáo dục sức khỏe – Trung tâm y tế thành phố và xã Sùng Phài tuyên truyền tại các hộ gia đình.
Bản Suối Thầu là bản vùng cao của xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu nằm sâu sau những nương chè và con đường đến bản cũng quanh co theo triền đồi. Từ đầu năm đến nay, bản có 4 cặp tảo hôn, đều là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có cặp cả vợ và chồng đều chưa đủ tuổi kết hôn. Điểm chung của những cặp vợ chồng “trẻ con” này là đều quen nhau qua mạng xã hội. Dù biết lấy nhau về sẽ rất vất vả khi tuổi còn quá trẻ và chưa có việc làm, thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình.
Chúng tôi đến nhà của vợ chồng Má Thị Dính. Chồng 20 tuổi, vợ 17 tuổi. Trong ngôi nhà nhỏ không có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ là phương tiện chính để người chồng đi làm thuê. Ngồi bên bếp củi nhóm ấm nước, trò chuyện với chúng tôi, Dính cho biết: “em lấy chồng khi 17 tuổi. Em và chồng quen nhau qua mạng xã hội, được 3 năm thì lấy nhau, giờ em đang mang thai được 6 tháng. Hiện tại, em chỉ loanh quanh ở nhà, chồng thì đi làm thuê, công việc không ổn định, cũng chưa biết sẽ lấy gì để chuẩn bị chào đón em bé ra đời. Em thấy lấy chồng sớm vất vả lắm, chẳng có công việc, không có tiền nuôi con. Em mong các bạn đừng như em, đừng lấy chồng sớm”.
Trường hợp khác, cũng tình cờ quen nhau qua mạng xã hội và chưa một lần gặp nhau ngoài đời, chỉ sau một tháng, Sùng Thị Cúng, 17 tuổi, ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ đã đồng ý theo Phàn A Cang, 19 tuổi ở bản Suối Thầu, xã Sùng Phài về làm vợ. Cặp vợ chồng trẻ kiên quyết lấy nhau dù cả 2 chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Cúng và Cang ở cùng với bố mẹ, không có công ăn việc làm, cuộc sống thì bấp bênh, thiếu thốn. Em Phàn A Cang, bản Suối Thầu, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu chia sẻ: “Em 19 tuổi, vợ thì 17 tuổi, chúng em quen nhau qua mạng 1 tháng thì lấy nhau. Giờ vợ đang mang thai được 3 tháng. Vợ em ở nhà với bố mẹ, em thì đi làm thuê để trang trải cuộc sống”.
Cũng như bản Suối Thầu, ở nhiều bản khác trong xã, với phần lớn là đồng bào dân tộc Mông sinh sống như: bản Tả Chải, Trung Chải,… tình trạng lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi pháp luật cho phép đang có xu hướng tăng lên. Từ đầu năm đến nay, toàn xã Sùng Phài có 7 cặp tảo hôn và 7 cặp này đều tảo hôn cả vợ và chồng. Mặc dù chính quyền xã và các cơ quan chuyên môn thành phố đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn tại bản, tại các hộ gia đình có trẻ vị thành niên và nêu tên trong các cuộc họp. Thậm chí, nội dung này còn được đưa vào quy ước, hương ước của bản. Tuy nhiên, để xử phạt thì lại chưa thực hiện được. Do phần lớn còn nể nang, chưa quyết liệt, người dân hoàn cảnh rất khó khăn, không chấp hành xử phạt…. Anh Sùng A Trùng, Cán bộ dân số xã Sùng Phài cho biết: Việc tảo hôn ở xã nhiều là do phong tục tập quán lâu đời. Ở đây mà 20 tuổi chưa lấy vợ, lấy chồng là họ bảo già rồi. Nhiều người còn đi lấy vợ, lấy chồng ở các xã khác như: Sin Suối Hồ, Tả Lèng… Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động rất nhiều nhưng họ vẫn không nghe.
Tư tưởng, định kiến kết hôn sớm đã đi sâu vào nếp sống của đồng bào nơi đây nên rất khó để thay đổi một sớm, một chiều. Hệ lụy tảo hôn không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của cặp vợ chồng lấy nhau mà không đăng ký kết hôn, con cái sinh ra cũng chưa thể đăng ký giấy khai sinh. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người mẹ, sự phát triển, sức khỏe của đứa trẻ sinh ra. Bà Đào Thị Thu Hà, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sùng Phài cho biết: Trong các cặp tảo hôn, một số cặp lấy nhau sau một thời gian tự bỏ nhau, không sống chung nữa; có cặp sinh con ra rồi cũng bỏ nhau, để con cho ông bà nuôi. Lấy nhau khi mới 13-14 tuổi, bản thân còn chưa phát triển toàn diện, còn đang ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa biết, chưa hiểu được sự vất vả của cuộc sống hôn nhân, vẫn phải sống phụ thuộc vào bố mẹ hai bên. Và cũng không có kỹ năng để chăm sóc con cái. Chính vì vậy cuộc sống hôn nhân khó hạnh phúc”.
Tảo hôn dù từ bất kỳ lý do nào cũng cần được đẩy lùi để bảo vệ giống nòi và nâng cao chất lượng dân số. Những bài học về hệ lụy tảo hôn vẫn còn đó. Vì vậy, mong rằng, các cấp chính quyền địa phương cần sớm có những giải pháp quyết liệt hơn nữa và người dân cũng cần nhìn nhận sâu sắc hơn về tác hại của tảo hôn để cuộc sống nơi vùng cao Sùng Phài bớt đói nghèo và ngày càng phát triển.