Thành phố Lai Châu chủ động phòng chống bệnh Dại mùa nắng nóng
Hiện nay, tình hình bệnh Dại trên cả nước đang diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng ca mắc. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có 18 người tử vong do bệnh Dại, số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Tại địa bàn tỉnh đã xuất hiện 2 ổ dịch bệnh Dại trên động vật tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ và xã Pa Khóa, huyện Sìn Hồ, đã tiêu hủy 6 con chó. Trên địa bàn thành phố mặc dù chưa xuất hiện dịch bệnh nhưng ngoài tăng cường quản lý đàn vật nuôi, Thành phố Lai Châu đang triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Dại đồng loạt tại tất cả các xã, phường trên địa bàn nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại do động vật cắn.
Năm 2023, trên địa bàn Thành phố Lai Châu đã xảy ra 4 ổ dịch dại trên động vật tại phường Quyết Tiến, Đoàn Kết, Tân Phong và xã San Thàng. Các trường hợp người dân bị chó mắc dại cắn đều được tiêm vaccine và huyết thanh kháng bệnh dại kịp thời. Dù không để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng qua đó cho thấy, nguy cơ từ dịch bệnh nguy hiểm này là rất đáng lo ngại và không thể chủ quan, đặc biệt khi thành phố hiện nay có tổng đàn chó, mèo rất lớn, với khoảng gần 6.000 con.
Cán bộ Thú y tiêm vắc xin phòng dại cho chó tại phường Quyết Tiến.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Hoàng Nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lai Châu cho biết: Thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi năm 2024, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố đã triển khai kế hoạch tiêm định kỳ, ban hành công văn đăng ký vắc xin trên địa bàn thành phố. Năm 2024, nguy cơ lây lan dịch từ năm 2023 sang có thể vẫn rất cao, do vắc xin phòng dịch sẽ miễn dịch sau 12 tháng. Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 3, Trung tâm đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các hộ chăn nuôi về dịch dại, tiềm ẩn nguy cơ cao của dịch. Qua đó, đã nhận được sự đồng thuận của Nhân dân. Đồng thời, trên cơ sở đăng kí của các xã, phường, Trung tâm đã cung ứng vắc xin, vật tư và cử cán bộ chuyên môn phụ trách xã, phường phối hợp triển khai tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo. Đã bắt đầu tiêm từ ngày 16/3 và dự kiến sau khoảng 25 ngày sẽ hoàn thành.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại lây lan, các xã, phường đã triển khai thống kê đàn chó nuôi trên địa bàn và đẩy mạnh tiêm phòng dại. Trong đợt này, toàn thành phố sẽ triển khai tiêm 5.250 liều vắc xin phòng Dại, đạt hơn 90% tổng đàn chó. Các xã, phường đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tình hình dịch bệnh để người dân hợp tác trong công tác phòng chống dịch, nhất là việc tiêm phòng Dại cho đàn chó, mèo. Đồng thời, báo ngay cho cấp ủy, chính quyền hoặc cơ quan chức năng khi có chó nghi mắc bệnh dại.
Ông Đoàn Quang Thiện, Tổ 6, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu chia sẻ: Nhà tôi nuôi 1 con chó, khi bắt đầu nuôi, gia đình đã tiêm phòng 7 loại dịch bệnh và tiêm phòng dại đầy đủ. Đến nay, gia đình luôn thực hiện nuôi nhốt, không thả rông, để đảm bảo ngăn ngừa việc gây hại cho người dân cũng như ô nhiễm môi trường. Hôm nay, được cơ quan chức năng đến tiêm phòng dịch bệnh dại cho chó, gia đình tôi rất phấn khởi, cảm thấy yên tâm hơn, không lo chó bị mang mầm bệnh dại nữa.
Vấn đề đáng quan tâm hiện nay dẫn tới nguyên nhân làm cho bệnh dại có nguy cơ bùng phát là một bộ phận người dân không chấp hành việc tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi; vẫn còn xảy ra tình trạng chó thả rông ra đường không được rọ mõm. Trước những diễn biến và mức độ nguy hiểm của bệnh dại, để công tác phòng, chống bệnh dại đạt hiệu quả cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa người dân và chính quyền địa phương. Đối với người dân cần có trách nhiệm thực hiện xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không ảnh hưởng xấu đến người xung quanh; đồng thời chấp hành tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo theo quy định.
Cán bộ Thú y tiêm vac xin phòng dại cho chó tại phường Tân Phong.
Ông Tạ Hữu Lai, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu cho biết: Tổ dân phố số 4 có một số hộ chăn nuôi chó, Tổ cũng như phường đã tích cực tuyên truyền, vận động và cơ bản các hộ gia đình này đều chấp hành tốt quy định về việc nuôi nhốt, tiêm vắc xin phòng dại cho chó. Tuy nhiên, còn một số hộ, ở một vài thời điểm vẫn thả rông chó ra đường, không rọ mõm, không tiêm vắc xin. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện tốt quy định mà thành phố, phường đề ra, đảm bảo phòng chó cắn người.
Hiện đang bước vào mùa nắng nóng, cũng là thời điểm vi-rút dại gây bệnh lây lan mạnh trên đàn chó, mèo. Chủ động phòng, chống loại dịch bệnh này, người dân cần thực hiện nghiêm việc quản lý đàn chó, mèo theo hướng dẫn của ngành thú y. Đặc biệt, trong trường hợp không may bị chó, mèo cào, cắn cần thực hiện vệ sinh vết thương đúng cách, đồng thời đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn tiêm vắcxin phòng bệnh dại.