Người dân thành phố Lai Châu không nên hoang mang, chủ quan với bệnh cúm mùa
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A H3N2, H1N1, cúm B và cúm C. Không chỉ gây triệu chứng khó chịu, bệnh còn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh nền. Đây là diễn biến dịch bệnh thông thường hàng năm, ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng, nhưng cũng không lơ là, chủ quan, cần chủ động trong phòng ngừa và điều trị cúm mùa.
Cán bộ y tế xã San Thàng tuyên truyền Nhân dân về công tác phòng, chống dịch cúm mùa.
Sau thông tin nhiều ca bệnh biến chứng nặng và tình hình dịch cúm tại các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc diễn ra phức tạp và ở nước ta cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc cúm mùa phải thở máy, ý thức phòng bệnh của người dân trên địa bàn thành phố Lai Châu cũng tăng lên rõ rệt. Nhiều người dân đã tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách tiêm vắc xin phòng cúm, thực hiện việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người.
Chị Hoàng Thị Huyền, Tổ 25, phường Đông Phong chia sẻ: Tôi có con được 16 tháng tuổi, đã tiêm đầy đủ các mũi vắc xin sởi, cúm để phòng bệnh cho con. Hiện tại, thấy tình hình nhiều người lớn cũng như trẻ nhỏ trên địa bàn thành phố bị bệnh cúm, tôi cũng thường vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mặc đủ ấm cho con. Chú trọng lựa chọn các thực phẩm sạch, đảm bảo dinh dưỡng phù hợp cho cả gia đình và yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài để phòng lây bệnh cúm.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm y tế Thành phố Lai Châu ghi nhận hơn 200 ca mắc cúm, chưa ghi nhận số lượng cúm mùa tăng đột biến và chưa có trường hợp cúm nặng phải điều trị hồi sức tích cực hay chuyển tuyến. Dù cúm mùa là bệnh truyền nhiễm phổ biến, thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính có thể diễn biến nặng, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Do vậy, người dân không nên chủ quan, lơ là trong phòng ngừa, điều trị bệnh cúm mùa.
Y sỹ Bùi Hữu Thắng, Trạm Y tế phường Đông Phong cho biết: Bệnh cúm không riêng ở trẻ em, mà người lớn đều bị mắc cúm. Người mắc bệnh có biểu hiện ho, sốt, khó thở, nặng là suy hô hấp. Ngay từ đầu mùa, Trạm y tế chúng tôi đã tuyên truyền người dân đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người; vệ sinh phòng bệnh tại gia đình, cộng đồng. Khi có biểu hiện nặng, đến Trạm chúng tôi sẽ khám phân loại, nặng sẽ chuyển lên tuyến trên.
Cán bộ Trạm Y tế phường Đông Phong khám lâm sàng trước khi tiêm vacxin phòng bệnh cho trẻ.
Trước diễn biến của dịch bệnh cúm mùa cũng như điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan qua đường hô hấp, Trung tâm Y tế thành phố chủ động đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư và thiết bị y tế thực hiện công tác khám, chữa bệnh. Phối hợp chặt chẽ trong giám sát trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do vi rút, báo cáo kịp thời ca bệnh hoặc nghi bệnh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút như thuốc Tamiflu, mà cần phải theo hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc.
Bác sỹ Chuyên khoa I Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm y tế thành phố Lai Châu cho biết thêm: Trung tâm luôn chủ động giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên; các trường hợp có yếu tố nguy cơ, các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh đẻ xử lý triệt để, không để dịch lây lan rộng và bùng phát dịch lớn. Chủ trì, phối hợp tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh; vệ sinh phòng bệnh trong trường học, gia đình, nơi tập trung đông người. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố, các cơ quan thú y để trao đổi thông tin, giám sát dịch bệnh liên quan đến sự lây truyền bệnh từ động vật sang người…
Theo các bác sĩ, Cúm mùa lưu hành quanh năm ở tất cả mọi nơi, nhưng thường tập trung và có xu hướng lan rộng vào mùa đông xuân. Cách tốt nhất để phòng bệnh cúm mùa hiệu quả, người dân nên tiêm vaccine cúm hàng năm, thời điểm tiêm phù hợp nhất là vào khoảng tháng 9, 10. Đối với những người có các bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch, thậm chí một năm có thể tùy theo tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ ở phòng tiêm có thể khuyến cáo tiêm dày hơn.