• banner__2_15938cc5c5
  • banner_00a56
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi ích kép từ chi trả dịch vụ môi trường rừng

          Những năm qua, tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu). Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.

 

 

Kiểm lâm địa bàn xã Sùng Phài thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con giữ gìn và bảo vệ rừng.

Xã Sùng Phài là địa phương có diện tích rừng lớn nhất trên địa bàn thành phố Lai Châu với hơn 2.200ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,49%. Toàn xã có 1.013 hộ với 4.596 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc cùng sinh sống ở 13 bản. Bình quân mỗi năm bà con trên địa bàn xã được chi trả hơn 2 tỷ đồng tiền DVMTR. Nhờ chủ trương chi trả tiền DVMTR bà con ngày càng hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, giảm đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép cả về số vụ và mức độ thiệt hại.​ Giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn xã không xảy ra các hoạt động mua bán, khai thác lâm sản trái pháp luật. Năm 2023 có xảy ra 1 vụ phá rừng trái pháp luật, đã bị phát hiện và xử phạt hành chính 500 nghìn đồng. Anh Ngô Minh Tuấn - Kiểm lâm địa bàn xã Sùng Phài (Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu) cho biết: Chúng tôi thường xuyên đốc thúc các tổ chuyên trách của bản, nhóm hộ tăng cường tuần tra và kiểm tra khu rừng được nhận khoán bảo vệ; cuối năm tổ chức thanh tra nghiệm thu khu rừng được nhận khoán, xem người dân bảo vệ tốt hay không. Có thể thấy, từ ngày có tiền DVMTR ý thức trách nhiệm của bà con được nâng cao. Nhất là chấp hành tốt các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước, chống biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho người dân.

 

Người dân trên địa bàn xã chủ động phối hợp với Kiểm lâm địa bàn đi tuần tra, bảo vệ diện tích rừng nhận khoán.

Năm 2023, xã Sùng Phài có 9 bản, 38 nhóm hộ gia đình và 89 hộ gia đình được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền trên 2.665 triệu đồng. Trong đó, chi phí quản lý là 212 triệu đồng; chi trả cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng trên 2.450 triệu đồng. Nhờ tiền DVMTR, xã Sùng Phài có kinh phí để triển khai công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Người dân bản Trung Chải 100% sống dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp là chủ yếu. Do đó, rừng đối với họ là vô cùng quan trọng. Diện tích rừng nơi đây được bà con quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của cộng đồng dân cư. Cả bản có 52/54 hộ dân tham gia khoanh nuôi, bảo vệ và được chi trả tiền DVMTR. Hàng năm, trung bình mỗi hộ được nhận từ 1-2 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Từ đó, bà con có thêm thu nhập để đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, phát triển kinh tế gia đình bền vững. Trưởng bản Sùng A Chía chia sẻ: Mỗi một lần nhận tiền DVMTR bà con mừng lắm; có tiền người mua phân bón cho cây trồng, người lại đi mua cây, con giống... Nhờ đó, kinh tế của bản cũng được cải thiện. Để bảo vệ diện tích rừng do mình phụ trách, chúng tôi đã đưa các quy định vào hương ước bản như cấm chặt phá rừng trái phép; tham gia tuần tra bảo vệ rừng; thực hiện tốt công tác PCCCR.

Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình nhận khoán và bảo vệ rừng, một số bản còn sử dụng nguồn tiền DVMTR để đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ lợi ích chung của bản như: làm mới và tu sửa đường giao thông nông thôn, công trình nhà văn hóa. Có thể nhận thấy, chính sách chi trả DVMTR không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, PCCCR, mà còn tạo động lực để người dân gắn bó với rừng.

 

Nhận tiền chi trả DVMTR bà con bản Trung Chải đầu tư phát triển cây chè.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Trung Kiên - Bí thư Đảng ủy xã Sùng Phài cho biết: Từ khi nhận quản lý, bảo vệ rừng, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Những năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Người dân nhận được tiền từ DVMTR về sử dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế. Nhờ vậy, đời sống của Nhân dân được cải thiện đáng kể. Bà con đều hiểu được giá trị mà rừng mang lại nên đồng lòng bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, xã đã trồng 50.000 cây phân tán, khoanh diện tích có thể trồng rừng để đề xuất trồng cây cho phù hợp. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã quyết tâm bảo vệ diện tích rừng hiện có. Có thể thấy, việc chi trả tiền DVMTR đã góp phần tạo công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng, giảm tình trạng chặt phá rừng bừa bãi. Từ đó, tài nguyên rừng được bảo vệ, phát triển tốt hơn.


Tác giả: Vũ Hải
Nguồn:Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thành phố Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 14
Hôm qua : 1.162