Hội thảo bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề năm 2024 và định hướng những năm tiếp theo
Sáng nay 28/3, Uỷ ban nhân dân thành phố Lai Châu tổ chức hội thảo bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề năm 2024 và định hướng những năm tiếp theo trên địa bàn thành phố. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương bình và Xã hội; UBND thành phố, xã, phường, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể thành phố; công chức văn hóa – xã hội xã, phường.
Quang cảnh Hội thảo
3 năm qua, thành phố đã ban hành 23 văn bản chỉ đạo triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền các chính sách về việc làm, tư vấn hướng nghiệp trực tiếp cho người lao động về thông tin các đơn hàng tuyển dụng lao động trong và ngoài nước. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát nhu cầu học nghề đến từng tổ dân phố, bản, đề suất danh mục nghề đào tạo, tuyển sinh mở lớp đào tạo nghề, lựa chọn cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Thẩm định dự toán kinh phí, phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề. Trong 3 năm đã tổ chức 33 lớp đào tạo nghề, với tổng số 1000 lao động. Sau đào tạo, đối với nghề nông nghiệp, người lao động tự tạo việc làm mới và tiếp tục làm nghề trồng trọt chăn nuôi tại gia đình; đối với nghề phi nông nghiệp hiệu quả tạo việc làm chưa cao, có khoảng 40% có việc làm. Về chính sách tín dụng ưu đãi, đã giải ngân cho 1,800 người vay để giải quyết việc làm, với số tiền khoảng 120.212 triệu đồng; 350 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay để sản xuất kinh doanh, với số tiền khoảng 15.900 triệu đồng. Giới thiệu việc làm cho 29 lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát hàng trăm lượt các lớp đào tạo nghề. Qua đó, thấy được các lớp đào tạo nghề đảm bảo kế hoạch giảng dạy; học viên được hướng dẫn chi tiết và cung cấp nguyên vật liệu phục vụ thực hành, 100% chấp hành tốt quy chế lớp học. Tuy nhiên, công tác thông tin tuyên truyền về thực hiện đào tạo nghề chưa được thường xuyên; công tác đào tạo nghề có mặt còn hạn chế; một số ngành nghề chưa thực sự gắn với giải quyết việc làm; thời gian mở lớp đào tạo nghề ngắn nên học viên chỉ nắm được kiến thức cơ bản, chưa thể xin việc hoặc tự tạo việc làm riêng hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; nhu cầu đăng ký đào tạo nghề hằng năm giảm do không có nhu cầu học nghề; một số mô hình sau đào tạo hiệu quả chưa cao, thiếu vốn, chưa mạnh dạn đầu tư để phát triển mô hình kinh tế…
Đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo.
Các ý kiến tham gia thảo luận tại hội nghị tập trung vào một số nội dung như: Kết quả nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hiệu quả công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao thu nhập cho người lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nông thôn; giải pháp để các lớp đào tạo nghề đạt hiệu quả; cần mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với thời điểm, phù hợp với nhu cầu của người lao động để mang lại hiệu quả cao; cần xem xét lại quy định trong 5 năm chỉ được tham gia đào tạo 1 lần; cần bổ sung, điều chỉnh danh mục đào tạo nghề, tổ chức lớp đào tạo nghề phù hợp; vẫn có người lao động sau đào tạo trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo.
Để làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố trong những năm tiếp theo, đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy banh nhân dân thành phố cho rằng: Cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Làm tốt công tác điều tra, nhu cầu đào tạo của người lao động, xây dựng kế hoạch, xác định danh mục nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của người lao động và định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo đào tạo nghề thành phố và các xã, phường. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt và xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh; chủ động đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế.