• banner__2_15938cc5c5
  • banner_00a56
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện những người làm phát thanh - truyền hình cơ sở

Những người làm phát thanh – truyền hình tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu họ tác nghiệp như những nhà báo thực thụ. Họ làm cả báo hình, báo nói, báo điện tử. Họ vừa là biên tập viên, vừa là phóng viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên… Họ làm ở cơ quan mang tính báo chí nhưng lại không phải là cơ quan báo chí. Nhưng bằng tình yêu nghề, sự đam mê họ đã gắn bó, cống hiến với công việc này. Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), mời quý vị cùng tìm hiểu về công việc của những người làm phát thanh, truyền hình cơ sở.

Chị Nguyễn Thị Hoa công tác tại Trung tâm VHTT&TT huyện Than Uyên được gần 20 năm. Là một phóng viên nhanh nhẹn, năng động và có thâm niên khá lâu với nghề. Chị cho biết, để sáng tạo nên một tác phẩm hay, có giá trị, chị và các đồng nghiệp luôn phải tìm tòi, phát hiện những đề tài hay, mới. Tiếp đó là xâm nhập thực tế, khai thác thông tin, hình ảnh, quay hình, phỏng vấn; rồi đến xử lý hậu kỳ. Mỗi tác phẩm hoàn thành là cả tâm huyết của các anh, chị, em đồng nghiệp. Trong quá trình công tác, phải đi cơ sở, đã cho chị nhiều trải nghiệm. Chị Hoa chia sẻ: “Quá trình đi cơ sở tác nghiệp, đưa tin, viết bài cũng có nhiều cái thú vị lắm. Mình thì tác nghiệp ở nhiều lĩnh vực, nhưng thích nhất được đi viết bài tìm hiểu về phong tục, tập quán, những nét văn hóa của bà con các dân tộc. Mặc dù có những lúc giao tiếp bị bất đồng ngôn ngữ, hay đường đi đến các bản, các xã còn khó khăn. Nhưng mỗi lần đi là một lần trải nghiệm và bà con nơi đây cũng rất thân thiện quý mến, tạo điều kiện để mình hoàn thành nhiệm vụ”.

Hầu hết những người gắn bó với sự nghiệp phát thanh – truyền hình cơ sở tại vùng đất Tây Bắc xa xôi này, vì một cơ duyên nào đó đã đưa họ đến với mảnh đất còn nhiều khó khăn, để rồi cứ thế gắn bó máu thịt không nỡ rời đi. Có những người ít cũng vài năm công tác, nhiều thì vài chục năm gắn bó với ngành. Làm báo ở một nơi mênh mông là núi non hiểm trở, đi tác nghiệp khi chưa biết, chưa hiểu được phong tục tập quán và tiếng nói của bà con các dân tộc. Bên cạnh đó là cồng kềnh những máy móc thì quả thật là càng gian nan gấp bội. Có những đồng chí khi vào nghề còn chưa qua một trường, lớp đào tạo báo chí nào, chưa có kỹ năng viết báo, chưa biết bấm máy, ghi hình hay chọn khuôn hình phù hợp. Nhưng rồi vì cái duyên với nghề mà đã tích cực tìm tòi, học hỏi và dần trở thành phóng viên. Tiêu biểu như anh Vũ Xuân Hải - phóng viên Trung tâm VHTT&TT thành phố Lai Châu: “Tôi từ một giáo viên dạy văn cấp 2 đã chuyển sang làm phóng viên từ năm 2015. Lúc mới bắt đầu công việc thì cũng gặp nhiều khó khăn. Vì đây là lĩnh vực mới mà tôi chưa được học, chưa được đào tạo chuyên môn, nên cũng khá lo lắng. Sau một thời gian chịu khó học hỏi, nghiên cứ, tìm hiểu, đến nay tôi đã bắt kịp với nghề và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cơ quan giao. Tôi thấy làm phóng viên cơ sở đa năng lắm: tôi có thể quay phim, chụp ảnh, viết tin, phóng sự, từ báo hình tới phát thanh, báo điện tử, nhiều lúc kiêm luôn cả phát thanh viên dẫn hiện trường, cắt dựng hình ảnh. Tôi thấy khá đam mê với nghề, bởi làm phóng viên tôi được đi nhiều nơi, được giao tiếp với nhiều người và đặc biệt tôi thích cái cảnh đẹp của Tây Bắc này lắm. Đi làm có rất nhiều cảm hứng đối với chúng tôi”.

Anh Vũ Xuân Hải –  phóng viên Trung tâm VHTT&TT thành phố tự quay hình và dẫn hiện trường.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu có 8 Trung tâm VHTT&TT tại các huyện, thành phố với hơn 90 cán bộ, viên chức công tác ở lĩnh vực phát thanh – truyền hình. Khác với Trung tâm VHTT&TT thành phố, tại các huyện do địa hình miền núi hiểm trở, bị chắn bởi các dãy núi cao, sóng phát thanh, truyền hình không đến được các xã xa, nên mỗi huyện đều có từ 3- 5 Trạm truyền dẫn phát sóng, đặt tại các xã giúp tỷ lệ phủ sóng được rộng hơn. Để duy trì việc phát sóng được liên tục, đội ngũ kỹ thuật viên phải thường xuyên bám xã, bám Trạm, thầm lặng ngày đêm “canh sóng” không quản ngại gió mưa, vất vả. Nói về công việc của mình, anh Lò Trung Thành, kỹ thuật trực phát sóng tại Trạm Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ cho biết: “Hiện nay Trung tâm VHTT&TT huyện Phong Thổ có 5 Trạm tiếp, phát sóng. Trong đó có 1 trạm trung tâm và 4 trạm đặt tại các xã. Anh em trực ở các trạm xã chủ yếu là nam. Trước đây còn nhiều khó khăn lắm, có những trạm xã, đường lên dốc cao, về mùa mưa thì trơn trượt rất nguy hiểm, rồi gió to, sấm sét cũng rất lo sợ. Bây giờ thì được đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất nên cũng bớt khó khăn hơn. Do đặc thù công việc nên tôi cũng như các anh em trực trạm xã, thường xuyên phải xa gia đình. Một trạm có 2 người trực nên phải thay đổi nhau mới tranh thủ về thăm nhà được”.

Anh Phạm Quang Trung – Kỹ thuật trực phát sóng, kiêm sản xuất chương trình PTTH của Trung Tâm VHTT&TT thành phố.

Đối với Trung tâm VHTT&TT thành phố Lai Châu hiện có 22 cán bộ, viên chức. Trong đó có 9 đồng chí làm ở lĩnh vực phát thanh – truyền hình. Hàng tuần, bộ phận PTTH thực hiện sản xuất 01 chương trình truyền hình và 02 chương trình truyền thanh. Bên cạnh đó còn duy trì, đăng tải tin, bài lên Trang thông tin điện tử thành phố; thực hiện tiếp, phát sóng các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PTTH tỉnh, chương trình truyền thanh do Trung tâm sản xuất.

Những hy sinh, vất vả thầm lặng của người làm phát thanh – truyền hình cơ sở thường ít ai biết đến như: thu nhập thấp, thường xuyên phải xa nhà; ngày lễ, ngày nghỉ vẫn cần mẫn “canh sóng”; hay bon bon trên xe đến từng sự kiện lấy hình, đưa tin cho kịp giờ phát sóng. Áp lực thời gian, công việc là thế nhưng họ đã vượt lên tất cả để mang thông tin đến với người dân một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Đồng chí Nguyễn Văn Tuệ - Giám đốc Trung tâm VHTT&TT thành phố Lai Châu cho biết: “Đội ngũ làm phát thanh truyền hình của Trung tâm VHTT&TT thành phố hầu hết đều có năng lực chuyên môn vững, có trách nhiệm trong công việc. Đây là công việc có đặc thù riêng, nên nhiều khi anh em phải vất vả cả những ngày nghỉ cuối tuần hay lễ, Tết, mưa bão, việc đột xuất, từng bộ phận vẫn phải đảm bảo công việc theo kế hoạch. Tôi rất hiểu và chia sẻ những khó khăn, vất vả với các đồng chí. Điều mà tôi cũng như lãnh đạo Trung tâm các huyện vẫn luôn quan tâm, trăn trở đấy là vấn đề thi thăng hạng, chuyển ngạch cho viên chức vẫn chưa thực hiện được. Có những đồng chí 10 năm học đại học rồi mà chưa được chuyển ngạch và hầu hết đội ngũ này hiện tại đang hưởng lương trung cấp, đời sống một bộ phận cán bộ viên chức còn gặp nhiều khó khăn”. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn không thể nói hết. Nhưng đội ngũ những người làm phát thanh truyền hình cơ sở vẫn luôn và đang nỗ lực, yêu nghề, sống với nghề, vui, buồn với nghề. Mong rằng, mỗi tác phẩm, mỗi bản tin sẽ là một thông điệp chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Đảng, chính quyền và đưa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân. Chúng tôi, những người đang làm công tác PTTH cơ sở xin được làm một cánh én nhỏ đưa tin đến mọi miền tổ quốc và luôn coi đó là niềm vinh dự, tự hào.


Tác giả: Hà Thu
Nguồn:Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thành phố Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 528
Hôm qua : 921