• banner__2_15938cc5c5
  • banner_00a56
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều kiện tự nhiên xã hội

 I. Về điều kiện tự nhiên:1. Về vị trí địa lýThành phố Lai Châu - trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của tỉnh Lai Châu có toạ độ địa lý: 20o20' đến 20o27' vĩ độ Bắc; 103o20' đến 103o32' kinh độ Đông. Thành phố Lai Châu giáp với huyện Phong Thổ và huyện Tam Đường phía Bắc, giáp huyện Tam Đường ở phía Nam, phía Đông; giáp huyện Sìn Hồ ở phía Tây. Vị trí địa lý trên tạo cho Thành phố có lợi thế phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch và vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng - an ninh.

2. Địa hình, địa chất, khí hậu

- Địa hình Thành phố Lai Châu chạy dài từ Tây Bắc xuống Đông Nam giữa 2 dãy núi Sùng Phài và Pu Sam Cáp dọc theo quốc lộ 4D. Địa hình tương đối bằng phẳng, với độ dốc trung bình 5-10%.

- Địa chất của khu vực Thành phố Lai Châu gồm 3 tầng đá chính là: tầng Vân Nam, tầng Điệp Vân Lục và tầng Điệp Đồng Giao. Trong khu vực Thành phố có nhiều hang động Caster và các dòng chảy ngầm, thường xảy ra sụt lún, không thuận lợi cho việc xây dựng các công trình cao tầng.

- Về khí hậu: Thành phố Lai Châu nằm trong vùng khí hậu Tây Bắc, ảnh hưởng nhiều của địa hình và hoàn lưu khí quyển nên lượng mưa khá lớn khoảng 2.600mm/năm. Hướng gió chủ đạo là hướng gió Đông Nam, tốc độ trung bình 29m/s. Số giờ nắng trung bình năm là 2002 giờ.

3. Tài nguyên đất đai

Tổng diện tích đất tự nhiên (2006) là 7.017,58 ha, chiếm 0,77% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Có 04 nhóm đất chính: Nhóm đất phù sa, nhóm đất đen, nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi. Rất thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng: chè, cây ăn quả và phát triển rừng.

4. Tài nguyên nước

Thành phố có 3 nguồn nước chính: nguồn nước mặt, bao gồm suối Tả Lèng, suối Lùng Than chảy qua xã San Thàng, nguồn nước ngầm nằm ở tầng đá vôi Đồng Giao và một số nguồn nước mạch lộ có chất lượng đảm bảo sinh hoạt của khu vực nội thị.

5. Tài nguyên rừng

Diện tích rừng hiện có 2.077,8ha, chiếm 29,61% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó rừng trồng phong cảnh: 101ha; còn lại chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Rừng Thành phố chủ yếu là rừng cỏ thảm thực vật nghèo, động vật quý hiếm hầu như không có.

6. Tài nguyên khoáng sản

Không có điểm mỏ có giá trị lớn, chủ yếu là tài nguyên đá, cát, sỏi - là những nguyên vật liệu phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn.

 7. Tài nguyên du lịch

Thành phố Lai Châu là vùng đất vốn có truyền thống cách mạng và lịch sử văn hoá. Có hệ sinh thái đa dạng, nhiều hang động trên dãy Pu Sam Cáp - Nùng Nàng và khu vực Tả Gia Khâu xã Nậm Loỏng. Thành phố có nhiều dân tộc anh em chung sống tạo nên nền văn hoá đa dạng, phong phú.

II. Về dân số và lao động:

1. Về dân số

Tổng dân số của Thành phố khoảng 28.000 người;

Thành phố có 17 dân tộc sinh sống, trong đó có 4 dân tộc chính: Dân tộc Kinh chiếm 67%, dân tộc Giáy 17,5%, dân tộc Thái 8,5%, dân tộc Mông 6%, còn lại là các dân tộc khác chiếm khoảng 1%.

2. Nguồn lao động

- Về số lượng lao động: năm 2006 Thành phố Lai Châu có 7.716 người trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động, chiếm 39,29% dân số.

- Về chất lượng nguồn nhân lực: Chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố khá cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2006 chiếm 45,8% trong tổng số lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 39,5%. Tuy nhiên, chất lượng lao động cao tập trung chủ yếu là cán bộ, công nhân viên chức.


Nguồn:thanhpho.laichau.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 979
Hôm qua : 1.494